Lịch sử kiến trúc Pháp
Nói đến kiến trúc Pháp không thể không nói đến cái nôi đã sản sinh và nuôi dưỡng nó, đó là kiến trúc châu Âu, bởi từ trong cội nguồn lịch sử, văn hóa Pháp và văn hóa châu Âu không thể tách rời. Lịch sử của Tây Âu được hình thành từ thế kỷ thứ VSCN, trên cái nền tan rã của đế chế Tây La Mã cổ đại, vì vậy xét cho đến cùng, kiến trúc châu Âu chịu ảnh hưởng phong cách của kiến trúc La Mã và sâu xa hơn là phong cách kiến trúc của Hy Lạp cổ đại. Hai nền văn minh Hy Lạp và La Mã được hình thành từ thiên niên kỷ thứ III và thứ I (TCN), là cái nôi của văn minh phương Tây cổ đại, đã phát triển rực rỡ và để lại những ảnh hưởng sâu sắc đến diện mạo văn hóa của Tây Âu trong suốt thời kỳ trung đại. Vì vậy khi ngược dòng trở về với lịch sử của kiến trúc châu Âu không thể không nhắc đến những phong cách kiến trúc cổ đại Hy – La.
Quần thể kiến trúc đẹp đẽ nhất của kiến trúc cổ điển Hy Lạp là Acropole ở thủ đô Athen. Ở đây có 3 kiệt tác là đền Parthenon, đền Erechteyon và cổng Propylaia. Đền Parthenon là đỉnh cao nhất của kiến trúc cổ điển Hy Lạp, là hình ảnh bất diệt được lặp lại trong muôn vàn công trình ở châu Âu, châu Mỹ và nhiều nơi nữa. Đền Erechteyon có một loại cột độc đáo hình người gọi là Cariatit. Kiến trúc cổ Hy Lạp đã tạo nên một hệ thống ngôn ngữ kiến trúc có sức thuyết phục và đã góp phần rất to lớn trong kho tàng nghệ thuật kiến trúc thế giới.
Đặc điểm chung của kiến trúc La Mã là quy mô kiến trúc đồ sộ, tường dày, hoành tráng bề thế, gây ấn tượng về sức mạnh, quyền lực, tạo cảm giác về một sự bền vững lâu dài, nhiều công trình đã chịu đựng được thử thách của thời gian. Nếu nghệ thuật Hy Lạp tìm đến một sự hài hòa giữa hình thức và cấu trúc, giữa kiến trúc và trang trí, thì kiến trúc La Mã, ngược lại, lại là một nghệ thuật ứng dụng nhằm đáp ứng tính cách sôi động và thực dụng của người La Mã. Và những đặc điểm này đã được đem vào trong kiến trúc châu Âu nói chung và kiến trúc Pháp nói riêng để tạo nên những phong cách kiến trúc đầy sáng tạo, độc đáo, ấn tượng mà vẫn không làm mất đi vẻ đẹp hài hòa.
Khảo sát qua lịch sử các phong cách kiến trúc ở phương Tây từ cổ đại đến hiện đại, có thể thấy rằng, Pháp là một trong những cái nôi vừa góp phần bảo lưu, gìn giữ các phong cách kiến trúc cổ điển, lại vừa góp phần sáng tạo ra những phong cách kiến trúc mới hết sức độc đáo và ấn tượng. Kiến trúc Pháp kế thừa những nét đẹp của kiến trúc cổ điển Hy Lạp – La Mã, cái nôi chung của kiến trúc châu Âu.
Cũng giống như nhiều quốc gia châu Âu khác, phong cách kiến trúc Pháp mang hơi hướng vẻ đẹp thần thoại của phong cách Hy Lạp – La Mã, với những kiểu “thức” căn bản: thức Doric, thức Ionic và thức Corinth, hay thậm chí cả những kiểu thức tiến bộ của người La Mã như Toscan và Compozit. Lịch sử kiến trúc thế giới nói chung và lịch sử kiến trúc châu Âu nói riêng đã để lại rõ nét từng dấu ấn trên bước phát triển của mình trong kiến trúc Pháp.
Chính vì thế mà có thể nói rằng kiến trúc Pháp được thừa hưởng những tinh hoa của kiến trúc nhân loại. Nhưng cũng từ nước Pháp, nhiều phong cách kiến trúc tiêu biểu đã được hình thành và lan rộng ra toàn châu Âu như phong cách kiến trúc Roman, kiến trúc Gothic, kiến trúc Rococo. Các kiến trúc sư Pháp cũng là những người đi đầu trong việc tạo dựng nên những thể thức kiến trúc mới trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị cổ điển Hy – La với bản sắc văn hóa Pháp cũng như với dấu ấn và hơi thở của thời đại để tạo ra những công trình và phong cách rất riêng.
Có thể nói không sai rằng, kiến trúc châu Âu trong thời kỳ trung đại thấm đẫm tinh thần của văn hóa Pháp – một nền văn hóa vừa năng động vừa sáng tạo vừa thực dụng song vẫn giữ được nét kiêu sa và vẻ đẹp diễm lệ, kỳ vĩ vốn là đặc trưng chung của kiến trúc cổ điển phương Tây. Một đặc điểm nữa dễ nhận thấy là các kiến trúc sư Pháp ít khi chịu bó buộc năng lực sáng tạo của mình trong một khuôn khổ nhất định mà thường xuyên tìm tòi, kết hợp nhiều phong cách, nhiều trường phái kiến trúc với nhau.
Hơn thế nữa, họ còn rất chú trọng phối kết hợp với không gian hay bối cảnh cụ thể của nơi đặt kiến trúc đó, nhằm tạo ra những công trình mang tính thực dụng cao mà vẫn có hồn. Triết lý sáng tạo này không chỉ được ứng dụng cho những công trình kiến trúc trên đất Pháp mà còn được người Pháp áp đặt tại những cơ sở thuộc địa của họ như Algerie, như Việt Nam… Nhờ đó mà ngày nay chúng ta có thể nói đến một phong cách kiến trúc Pháp đặc trưng trên cái nền chung của kiến trúc châu Âu.
Và như vậy với những đặc trưng riêng của mình, kiến trúc Pháp xứng đáng là một nền nghệ thuật lớn của nghệ thuật kiến trúc thế giới.Kiến trúc Pháp không chỉ ảnh hưởng sâu sắc tới các phong cách kiến trúc của châu Âu, mà theo bước chân của các đoàn quân viễn chinh Pháp, nền nghệ thuật này đã có mặt ở nhiều vùng đất xa xôi trên thế giới, tại cả những vùng đất có những điều kiện hoàn toàn khác biệt về tự nhiên, khí hậu và bản sắc văn hóa – như Việt Nam.
Không gian sống
Nhận xét
Đăng nhận xét