Vẻ đẹp quyến rũ "khó cưỡng" của Biển Chết
Chia sẻ
Nước Biển Chết có độ mặn gấp 9,6 lần nước biển bình thường, khiến nó trở thành một trong những hồ chứa nước có độ mặn cao nhất trên thế giới. Vẻ đẹp hoang sơ và quyến rũ của Biển Chết có sức lôi cuốn đặc biệt đối với các du khách.
Biển Chết nằm giữa Israel, Jordan và Palestine. Dù được gọi là biển nhưng thực chất đây là một hồ có độ mặn cực cao. (Đồ họa: BBC)
Biển Chết nằm thấp hơn 430m so với mực nước biển, khiến nó trở thành nơi thấp nhất trên Trái đất.
Biển Chết dài 50 km và chiều ngang ở nơi rộng nhất là 15 km. Nó hình thành cách đây hàng triệu năm.
Biển Chết nằm trên Thung lũng Vết nứt Lớn (Great Rift Valley), vốn được hình thành do sự giãn tách của 2 mảng kiến tạo lục địa. Khoảng 3,7 triệu năm trước, nơi ngày nay là thung lũng sông Jordan, Biển Chết và vùng bắc Wadi Arabah đã bị nước từ Địa Trung Hải tràn vào. Nước biển tạo ra một vịnh hẹp và quanh co, thông ra biển qua thung lũng Jezreel ngày nay.
Đến khoảng 2 triệu năm trước, các vùng đất nằm giữa Thung lũng Vết nứt Lớn và Địa Trung Hải được nâng lên cao, khiến nước từ đại dương không còn khả năng tràn vào. Vì thế, vịnh đã trở thành hồ.
Sông Jordan là nguồn cung cấp nước chính cho Biển Chết. Nước đưa các khoáng chất có trong sông Jordan đổ vào Biển Chết và đọng lại đó mà không có lối ra. Do Biển Chết nằm giữa sa mạc và quanh năm rất ít mưa, khí hậu khô nóng, tốc độ bốc hơi nhanh của nước khiến nước ngày càng cạn dần và độ mặn gia tăng.
Hàm lượng muối trong nước Biển Chết lên tới 34,2% hay 342 g/kg (số liệu năm 2011), so với khoảng 3,5% hàm lượng muối trong nước biển thông thường.
Biển Chết được công nhận là một trong những hồ có độ mặn cao nhất trên thế giới, sau một số hồ có độ mặn trên dưới 35%. Độ mặn quá cao khiến các loài thủy sinh vật không thể tồn tại trong nước Biển Chết.
Muối trắng xóa đông cứng thành từng lớp bên bờ Biển Chết.
Biển Chết là điểm đến lôi cuốn du khách khắp thế giới hàng nghìn năm qua. Nước biển mặn, khí hậu khô và nắng ấm quanh năm khiến Biển Chết trở thành địa điểm lý tưởng cho những ai vừa muốn tái tạo làn da, vừa muốn tránh những ngày đông lạnh lẽo.
Khung cảnh thơ mộng giữa một bên là nước biển trong xanh và...
...một bên là núi sừng sững dưới bầu trời xanh ngắt làm "đốn tim" du khách bốn phương.
Nước ở Biển Chết chứa muối và nhiều loại khoáng chất được chứng minh là rất có lợi cho sức khỏe, có thể chữa các bệnh ngoài da và thấp khớp, kích thích tuần hoàn máu.
Du khách tắm ở Biển Chết có thể nổi lơ lửng trên mặt nước mà không cần bơi, do độ mặn quá cao trong nước khiến tỷ trọng của nước cao hơn tỷ trọng cơ thể.
Cũng do nồng độ muối trong nước Biển Chết gấp gần 10 lần bình thường nên du khách được khuyến cáo tuyệt đối không để nước biển dây vào mắt và tránh các hoạt động như té nước, chạy nhảy.
Du khách cũng được khuyến cáo không ngâm mình quá lâu trong nước biển có độ mặn cực cao như Biển Chết (không nên quá 45 phút). Các vòi nước sạch được lắp đặt ngay tại bờ biển để để các du khách có thể tráng qua người sau khi tắm trong nước biển.
Một vấn đề lớn mà Biển Chết đang gặp phải là nước biển ngày càng cạn dần. Việc khai thác nước từ sông Jordan để phục vụ nông nghiệp đã khiến nguồn nước chính bổ sung cho Biển Chết bị giảm đáng kể.
Theo USNews, mực nước Biển Chết giảm 1,3m mỗi năm và biển chết đã mất 1/3 diện tích bề mặt kể từ năm 1960. Một dự án đưa nước mặn vào Biển Chết dự kiến được khởi động vào năm 2018 nhằm giúp ổn định mực nước trong hồ này.
Muối ở Biển Chết chứa các khoáng chất như Magiê, Canxi, Kali... và nhiều trong số những khoáng chất này không có trong nước biển ở những nơi khác.
Do đó, muối và các khoáng chất ở Biển Chết được sử dụng để sản xuất các loại mỹ phẩm. Israel cũng nổi tiếng với các loại mỹ phẩm làm từ các loại khoáng chất và muối khai thác từ Biển Chết.
Muối đóng thành tảng và đổi màu qua năm tháng.
Một khu du lịch bên bờ Biển Chết tại Israel trang bị cả thùng bùn để du khách có thể xoa lên người trước khi xuống tắm trong nước biển siêu mặn.
Con đường dẫn từ một khu du lịch ra Biển Chết.
Các du khách di chuyển bằng xe từ khu du lịch ra Biển Chết.
Nhận xét
Đăng nhận xét