Xu hướng thiết kế kiến trúc bền vững


“Thành phố bền vững” hiện đang là từ ngữ được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây, số lượng công trình với những tính năng “xanh” tân tiến và thân thiện với môi trường đang được phát triển với tốc độ đáng ngạc nhiên. Trong phân khúc nhà ở, 62% các công ty xây dựng nhà ở đơn chiếc đang triển khai các dự án công trình bền vững và các tính năng xanh đang được áp dụng vào ít nhất 15% tổng số dự án của họ. Theo như báo cáo gần đây của McGraw Hill, con số này có thể đạt tới 84% vào năm 2016. Hội đồng Công trình Xanh của Mỹ cũng đã đưa ra dự đoán rằng 55% công trình thương mại sẽ xây dựng trong thời gian tới sẽ đủ điều kiện được phân loại là công trình xanh (hai năm trước con số này là 44%).  
Dưới đây là một số xu hướng thiết kế kiến trúc hàng đầu 

1 - Công trình không tiêu tốn năng lượng Net Zero 

Hiện nay trong nhiều tiêu chuẩn vàng cho công trình Xanh thì các công trình Net Zero được định nghĩa là công trình tự sản sinh năng lượng nhiều hơn lượng tiêu thụ thực tế của chính công trình đấy. Thông qua một hay nhiều biện pháp kết hợp giữa sử dụng hiệu quả năng lượng và hệ thống năng lượng tái tạo tại chỗ, các tòa nhà như Trung tâm Cảnh quan bền vững tại Pittsburg. Giấy chứng nhận công trình Net Zero được cấp bởi ILFI (International Living Future Institute). 

2 - Công trình bảo tồn và phục hồi nguồn nước

Nhận thức về vấn đề khủng hoảng nguồn nước trên quy mô toàn cầu hiện đang được nâng cao, do đó việc sử dụng công nghệ tiết kiệm nước trong lĩnh vực xây dựng đang được quan tâm. Bên cạnh các thiết bị lưu lượng sử dụng thấp và các biện pháp bảo tồn thông thường, hiện nay nhiều kiến trúc sư và kĩ sư đang hướng tới việc thu – xử lý – tái sử dụng ngay tại chỗ. Điển hình như công trình tại New York và Tòa nhà C.K. Choi tại Đại học British Columbia đã sử dụng kết hợp nhiều công nghệ khác nhau như: vệ sinh tự hoại, hệ thống nước xám, bể chứa nước mưa, vườn mưa và vùng ngập nước để nhằm duy trì việc sử dụng nước có trách nhiệm. 

3 - Vật liệu sáng tạo

Vật liệu xây dựng hiện không còn bị giới hạn bởi các vật liệu thông thường được đặt hàng từ các xưởng sản xuất hay nhà máy. Kiến trúc sư ngày càng có nhiều sự lựa chọn, từ vật liệu tự nhiên như rơm, vật liệu tái chế hay các container vận chuyển cũ cho tới các vật liệu tiên tiến sử dụng công nghệ chuyển pha. Bất cứ là gì, miễn là vật liệu đó thỏa mãn tiêu chí thẩm mỹ và hiệu quả sử dụng. 

4 - Mái xanh

Nếu có cơ hội nhìn ngắm khu vực nội thành Mỹ từ trên không, hẳn bạn sẽ nhận thấy điều mà bạn khó có thể thấy cách đây 10 năm: những mảng màu xanh lá cây mọc lên không chỉ xung quanh, xen kẽ mà còn lên cả trên mái những tòa nhà. Mái xanh – mái công trình được phủ bởi lớp đất mỏng và thực vật – một xu hướng đang phát triển mạnh mẽ trong xây dựng bền vững. Điều này hoàn toàn là dễ hiểu khi nó giảm chi phí cho việc sưởi ấm và làm mát, lọc nước mưa và giảm tốc độ dòng chảy, cải thiện chất lượng không khí và đồng thời kéo dài tuổi thọ cho kết cấu mái. Ngoài ra, mái xanh còn đóng góp không nhỏ vào tính thẩm mỹ cho công trình. 

5 - Tích hợp nông nghiệp – đô thị

Mái xanh không phải là phương thức sử dụng cây cối duy nhất để tăng tính bền vững cho công trình đang được áp dụng trong bối cảnh hiện tại. Sự gia tăng nhu cầu các sản phẩm địa phương ngẫu nhiên đã dẫn tới việc khám phá ra nhiều phương thức để tích hợp giữa sản xuất thực phẩm với môi trường đô thị, điều này được thực hiện ngay trong chính bản thân ngôi nhà. Những khu vực vườn, nông trại trên mái như tại Brooklyn Grange, New York ngày càng trở nên phổ biến. Khu vườn đô thị tại Chicago của O’Hare đã chứng minh rằng một trang trại có thể đủ đẹp và sang trọng để sử dụng cho mục đích trang trí nội thất. 

6 - Tự động hóa cho công trình

Khi xét đến hiệu năng sử dụng, công tác vận hành và bảo dưỡng công trình có vai trò quan trọng tương đương với bản thân kết cấu công trình. Hệ thống điều khiển máy tính đang được sử dụng ngày càng rộng rãi để theo dõi và kiểm soát các hệ thống bên trong công trình, bao gồm HVAC, chiếu sáng, hệ thống cơ khí và kiểm soát độ ẩm. Lợi ích từ những hệ thống này là vô cùng to lớn, bao gồm cả tiết kiệm năng lượng, phát hiện sớm hơn và giải quyết các vấn đề, hỏng hóc, đồng thời giảm nhu cầu sử dụng lao động cho bảo dưỡng, giảm cả chi phí bảo hiểm. 

7 - Khu dân cư bền vững

Một công trình xanh riêng lẻ thôi cũng là rất tốt tuy nhiên ảnh hưởng của nó ít nhiều sẽ bị hạn chế. Do đó việc mở rộng cơ sở hạ tầng khu dân cư xanh, bền vững cho toàn bộ cộng đồng cùng có thể chung tay mang tới những hiệu quả sâu rộng hơn vì lợi ích môi trường và xã hội. Tương tự như những chứng chỉ xanh dành cho công trình riêng biệt, các nhà phát triển đang mong muốn ghi nhận nỗ lực của các khu phố, khu dân cư thông qua chứng nhận tương tự như LEED dành cho Phát triển vùng lân cận. Một lợi thế của công trình bền vững ở quy mô cộng đồng là nó có thể mang lại cơ hội tiếp cận công trình xanh dành cho các gia đình với mức thu nhập thấp và những đối tượng khác không đủ khả năng tiếp cận. 
Nếu muốn diễn tả xu hướng bao quát toàn bộ sự phát triển kiến trúc bền vững trong thời gian vừa qua, từ “toàn diện” có lẽ sẽ thích hợp hơn cả. Ngày càng có nhiều kiến trúc sư, kĩ sư và các nhà xây dựng đang đáp ứng với sự thay đổi nhận thức về công trình xanh, rằng tất cả đều có kết nối với nhau. Để thay đổi một khía cạnh của một công trình thì điều không thể tránh khỏi là sự ảnh hưởng tới các cấu trúc khác cùng với tâm trạng và sức khỏe của người sử dụng, thậm chí là của cả khu vực, cộng đồng. Hi vọng rằng các nhà xây dựng sẽ tiếp tục thực hiện những thay đổi tích cực, điều này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này